Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Khê  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Độc đáo Ngũ Trò Viên Khê

Đăng lúc: 09:02:30 25/09/2022 (GMT+7)
100%
Print

 Xứ Thanh - Nôi sinh ra những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó có nghệ thuật trình diễn Ngũ trò Viên Khê, năm 2017 chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây thực sự là niềm vui, tự hào của người dân Đông Sơn nói riêng và người dân tỉnh Thanh nói chung.

Nhắc đến Ngũ trò Viên Khê, là nhắc đến một nghệ thuật trình diễn hết sức phong phú từ lâu đời của cha ông để lại, với 12 tích trò đến từ 03 tổng: Tuyên Hóa, Quảng Chiếu, Thạch Khê trước đây nay thuộc địa bàn các xã Đông Anh, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Thanh, thị trấn Rừng Thông... gồm: Trò Múa Đèn, Trống mõ, Tiên Cuội, Ngô Quốc (thuộc Ngũ trò Rủn Đông Khê); các trò Trò Thiếp, trò Vằn Vương (trò Hùm), trò Xiêm Thành, trò Hà Lan, trò Tú Huần (Đông Anh); các trò: Ngô phường, Lan phường, Tiên phường, Thủy phường, Lăng ba khúc (nằm trong hệ thống Ngũ trò Bôn của Đông Thanh); trò Chạy gậy (Đông Thịnh); trò Tô vũ chăn dê, trò Bao hầu của làng Xuân Lưu, trò Múa Lào, trò Đại Thánh của Cáo thôn (thị trấn Rừng Thông). Các tích trò đã phản ánh một cách chân thật về hoạt động sản xuất nông nghiệp, đến cầu mưa, cầu nắng, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, thú dữ, với các thế lực thiên nhiên nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và duy trì sự sinh sôi, nẩy nở của con người, động vật.

Hôm nay về với làng Viên Khê xã Đông Anh - nơi lưu giữ, bảo tồn được nhiều nhất về các trò diễn của huyện Đông Sơn, sự vận động, biến đổi của thời gian, lịch sử khiến cho khung cảnh làng Viên Khê hôm nay hẳn đã có nhiều đổi thay. Cây đa, giếng nước, sân đình... chỉ còn ẩn hiện trong ký ức của lớp người cao niên như một bức tranh đẹp. Nhưng những lời ca, điệu múa nằm trong hệ thống trò diễn của di sản văn hóa phi vật thể Ngũ trò Viên Khê thì vẫn tồn tại trong tâm thức người dân và sau rất nhiều nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Ngũ trò Viên Khê hiện nay đã được khôi phục tương đối nguyên vẹn. Năm 2017, Ngũ trò Viên Khê chính thức được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với hệ thống 12 trò diễn (múa hát).

ảnh Ngũ trò viên khê.jpg

Biểu diễn Múa đèn (Ngũ trò Viên Khê) tại Ngày hội du lịch Quốc tế Thanh Hóa 2019.

Như hầu hết loại hình văn hóa dân gian phổ biến, di sản văn hóa Ngũ trò Viên Khê được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, tiếp nối thế hệ qua từng lớp người. Bởi vậy, để khẳng định chính xác thời gian xuất hiện của di sản là điều rất khó. Và ngay ở làng Viên Khê và một số địa phương có các trò diễn nằm trong hệ thống Ngũ trò Viên Khê hôm nay cũng lưu truyền hai quan điểm khác nhau. Theo đó, người ta tin rằng Ngũ trò Viên Khê có từ thời Bắc thuộc (thời Tùy) gắn liền với tên tuổi của chàng Cả Lãng Đại vương - con trai của thủ lĩnh Lê Ngọc. Tục truyền, ông thường về tận các thôn xóm để chung vui với người dân, qua đó truyền dạy và phổ biến đến cộng đồng những lời ca, tiếng hát, điệu múa do chính mình sáng tạo. Lại có ý cho rằng, di sản có từ thời Hậu Lê, do quan Bộ Lễ Nguyễn Mộng Tuân (người gốc Viên Khê) truyền dạy cho nhân dân. Trải qua thời gian hàng trăm năm cùng sự tiếp biến, giao thoa văn hóa đã làm phong phú thêm hệ thống trò diễn, để Ngũ trò Viên Khê hôm nay được khôi phục với 12 tích trò: Múa đèn, Trống mõ, trò Ngô, trò Xiêm Thành (Chiêm Thành), trò Bắt cọp (Vằn vương), trò Tiên Cuội, trò Hà Lan, trò Thủy, trò Nữ quan, trò Tú Huần, trò Thiếp, trò Ai Lao tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của miền quê Đông Sơn yêu dấu.

Hệ thống tích trò của Ngũ trò Viên Khê vô cùng đặc sắc, phổ biến nhất là Múa đèn: một trò diễn tổng hợp với nhiều lớp văn hóa cổ, liên quan đến lịch tiết sản xuất nông nghiệp lúa nước. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại. Nội dung của Múa đèn nói đến công việc sản xuất của nhà nông trong năm: thắp đèn, luống bông, luống đậu, vãi mạ, chẻ lạt, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt vải, vá may, đi gặt. Trò diễn được kết thúc bởi ba điệu múa “đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản” thể hiện sự biết ơn của người dân trước đấng thần linh phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, no đủ.

Bên cạnh Múa đèn, các trò diễn thuộc Ngũ trò Viên Khê cũng thể hiện tình cảm, quan niệm tình yêu, ước vọng cuộc sống và cả gián tiếp lên án những thói hư tật xấu tồn tại trong đời sống xã hội phong kiến xưa kia... Lời hát đi kèm vũ điệu tạo nên sự đặc sắc của những làn điệu dân ca của cư dân vùng châu thổ sông Mã. Với đầy đủ những giá trị biểu đạt ấy, dễ hiểu vì sao di sản văn hóa Ngũ trò Viên Khê được người dân nơi đây tự bao đời nay lưu truyền, gìn giữ và coi như tài sản vô giá.

ảnh Ngũ Trò Viên Khê 1.jpg

Ấn tượng biểu diễn lá lật đội đèn.

 

Trước đây, Ngũ trò Viên Khê được biểu diễn thường gắn liền với Lễ hội Nghè Sâm nổi tiếng khắp vùng. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu các làng trong Tổng sẽ tổ chức biểu diễn và chấm điểm thi, làng được điểm cao sẽ đại diện để dự thi tại Lễ hội Nghè Sâm. Theo các cụ cao niên, lễ hội này được tổ chức với quy mô rất lớn, thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng về tham dự với định kỳ ba năm một lần, vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ông Nguyễn Sỹ Lịch, nghệ nhân ưu tú của nghệ thuật trình diễn Ngũ trò Viên Khê vẫn nhớ: “Năm 1946 (Bính Tuất) là lần cuối cùng tổng diễn được tổ chức tại Nghè Sâm”.

Do biến động lịch sử và thời gian khiến di sản văn hóa Ngũ trò Viên Khê cũng trải qua giai đoạn thăng trầm, gián đoạn và dần mai một. Câu chuyện khôi phục, gìn giữ di sản văn hóa trăm năm của cha ông đặt ra đầy trăn trở. Năm 2000, được sự giúp đỡ của Viện Âm nhạc Quốc gia, huyện Đông Sơn và ngành VHTT tỉnh Thanh Hóa (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cùng phối hợp với địa phương, đặc biệt là những tấm lòng tâm huyết của các nghệ nhân trong làng như: vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Lịch, bà Lê Thị Nghi; bà Nguyễn Thị Cốc... đã nỗ lực cùng sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục hệ thống trò diễn. Sau 10 năm, việc khôi phục, bảo tồn cơ bản được hoàn thành.

Bà Lê Thị Phương - Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Sơn cho biết: “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Ngũ trò Viên Khê là tài sản vô giá của người dân Viên Khê và nhân dân Đông Sơn. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản cần đến sự trách nhiệm và vào cuộc của chính quyền các địa phương, các ngành chức năng, tổ chức cùng cộng đồng dân cư. Huyện Đông Sơn đang xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Ngũ trò Viên Khê. Việc truyền dạy di sản sẽ được tập trung đưa vào trong hệ thống trường học trên địa bàn toàn huyện để thế hệ trẻ hiểu và trân quý giá trị văn hóa cha ông”...

Ngũ trò Viên Khê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã góp phần nhân lên niềm tự hào về quê hương Đông Sơn - Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đồng thời khẳng định văn hóa Đông Sơn luôn là động lực thôi thúc mỗi người dân Đông Sơn cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, kiểu mẫu.

Tích trò Múa đèn trong chương trình phục vụ khách "Du lịch quốc tế Thanh Hóa - 2019" tại sân Viettel - TP. Thanh Hóa đã để lại nhiều ấn tượng, nhất là biểu diễn lá lật đội đèn. Khi biểu diễn, người diễn viên lăn trên sân 2 vòng rất nhanh, đầu thẳng đứng, giữ đèn cháy (mặc dù từ cổ trở xuống múa uyển chuyển, từ cổ trở lên giữ tư thế thẳng đứng) để đèn không đổ. Theo ông Vũ Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm VH,TT-TDTT huyện Đông Sơn: Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Ngũ Trò Viên Khê cần được đưa vào sản phẩm du lịch, bắt đầu từ cộng đồng văn hóa. Đồng thời phải xây dựng được đội ngũ nòng cốt là những cán bộ văn hóa cơ sở, hạt nhân phong trào và có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân truyền dạy và đội văn nghệ tập luyện...

 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
286233

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289