Bài giới thiệu về Lê Hy
Đăng lúc: 09:00:56 17/03/2023 (GMT+7)
Lê Hy hiệu là Trạn Khê, người xã Thạch Khê, nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Ông sinh năm Bính Tuất (1646).
Từ nhỏ Lê Hy đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, sớm đậu kỳ thi hương (cử nhân). Năm 19 tuổi, Lê Hy thi hội khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 2 (1664) đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vì đỗ tiến sĩ ở tuổi còn quá trẻ nên triều đình đành phải cho Lê Hy ở nhà để tu dưỡng thêm.
Sau khi được bổ nhiệm làm quan, Lê Hy được triều đình trọng dụng. Đến năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), ông giữ chức Cấp sự trung, Bộ Hình. Năm Chính Hòa thứ 2 (1681) vâng nhận chức Thị nội tán chi thủy bộ binh phiên, Hội đồng Đề hình giám sát ngự sử. Năm Giáp Tý (1684), thăng chức Hữu thị lang Bộ Binh. Năm Tân Mùi (1691), thăng Tả thị lang Bộ Lễ. Năm Nhâm Thân (1692), thăng Tả thị lang Bộ Lại. Năm Quý Dậu (1693), thăng chức Tham tụng Thượng thư Bộ Hình rồi vâng sai lên trấn thủ tỉnh Cao Bằng, tước Lai Sơn Nam, đến tháng 9 lại vâng mệnh đi sứ Trung Quốc 3 năm. Năm Mậu Dần (1698), thăng chức Thượng thư Bộ Binh, đặc tiến phong là bậc Kim tử vinh lộc đại phu, tham tụng Thượng thư Bộ Lại, kiêm trưởng Thượng thư sáu bộ, Trung thư giám, Tổng tài Quốc sử, tước Lai Sơn Bá.
Lê Hy mất ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1702), hưởng thọ 57 tuổi. Nhà vua gia ân tặng Thiếu Bảo, truy tặng Thái Bảo Lai Quận Công. Ông được nhân dân lập đền thờ tại quê nhà là xã Thạch Khê, nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Trải qua những biến cố lịch sử, ngôi đền một phần bị hư hỏng nghiêm trọng nhiều hiện vật trong đền bị thất lạc. Duy nhất còn giữ lại nguyên vẹn tấm bia “Lê Tể tướng bi ký”. Hiện nay, ngôi đền thờ Lê Hy đã được khôi phục lại theo quy mô hiện trạng xưa. Đền thờ và Bia ký tể tướng Lê Hy đã được xếp hạng cấp quốc gia (Theo quyết định số 921/QĐ-BTBVH ngày 20/7/1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin).
Đánh giá về vai trò, công lao của Lê Hy đối với việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư giới sử học đã nhận định: “Từ khi Lê Văn Hưu viết xong Đại Việt sử ký (năm 1272) cho đến lúc nhóm Lê Hy, hoàn thành Đại Việt sử ký toàn thư năm Chính Hòa (1697), quá trình này kéo dài 425 năm. Người đặt cơ sở đầu tiên là Lê Văn Hưu và người tập lại thành cuối cùng là Lê Hy”.
(Nguồn: Sách Đông Sơn truyền thống lịch sử văn hóa)